Vườn Quốc gia Cát Bà rộng 15.200 ha, bao gồm 9.800 ha rừng núi và 5.400
ha mặt nước biển, chiếm trên 50% diện tích toàn đảo Cát Bà (28.500ha).
Trong đó, vùng bảo vệ nghiêm ngặt với 800 ha là những khu rừng nguyên
sinh, 14.000 ha còn lại là vùng phục hồi sinh thái.
Vườn quốc gia Cát Bà có sự kết hợp của nhiều hệ sinh thái (HST)
khác nhau: HST rừng thường xanh trên núi đá vôi, HST rừng ngập nước trên
núi cao (Ao Ếch), HST rừng ngập mặn vùng duyên hải, HST vùng biển với
các rạn san hô gần bờ, hệ thống hang động với đặc trưng riêng biệt là
nơi cư trú của họ nhà Dơi và Hệ canh tác nằm giữa các thung lũng như ở
Khe Sâu hoặc các khu dân cư. Trong đó, lớn nhất là hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi (khoảng 9800 ha)
với thảm thực vật thuộc kiểu rừng nhiệt đới thường xanh và các loại
rừng như rừng núi thấp và ven thung lũng, rừng trên núi đá dốc, rừng
trên đỉnh núi cao, rừng ngập nước nội địa (Ao Ếch).
Vùng biển Cát Bà chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú. Kết quả điều tra cho thấy có 186 loài thực vật phù du, 43 loài rong biển, 147 loài san hô (tập trung ở vùng Vạn Bội, Vạn Hà, Cát Dứa, Đầu Bê, Hang Trai, Hòn Mây, độ sâu từ 3 - 7 m), 44 loài giun nhiều tơ, 120 loài nhuyễn thể (động vật thân mềm) như mực, sứa, trai, ốc, vẹm...195 loài cá đang sinh sống ở biển Cát Bà, trong đó có nhiều loài mang giá trị kinh tế cao: cá ngừ, cá mặt trăng, cá hồng, cá chình.
Với đa dạng sinh học cao, vườn quốc gia Cát Bà đã được UNESCO chính thức công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới trong kỳ họp của Hội đồng quốc tế về phối hợp chương trình con người và sinh quyển tổ chức tại Paris, ngày 29/10/2004. Việc quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển là một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, du lịch, thúc đẩy ngành nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản và nghiên cứu khoa học.
0 nhận xét:
Post a Comment