Thursday, April 17, 2014

Gốm Chu Đậu sau 400 năm thất truyền

Bấy lâu nay người ta chỉ biết đến gốm Bát Tràng, Quảng Ninh, Thổ Hà… kể cả những nhà nghiên cứu và giảng dạy về gốm sứ. Bởi lẽ họ chưa thấy có một trung tâm gốm nào thời Lê, nên khi thấy sản phẩm gốm hoa lam, gốm tam thái (3 màu – thực là 5 màu) thì nghĩ ngay là của Bát Tràng.

Gốm Chu Đậu là sự kế thừa của gốm Vạn yên (Kiếp Bạc) thế kỷ XIII, gốm Lý – Trần về lớp men ngọc và tạo khắc hoa văn chìm nổi, kiểu dáng thanh thoát. Bởi vậy gốm Chu Đậu thời đó đã đạt được 4 tiêu chuẩn: Mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông. Một điều nữa là gốm Chu Đậu đã thể hiện được tâm hồn Việt qua hoa văn trang trí gắn với thiên nhiên và cuộc sống của cư dân vùng châu thổ sông Hồng như cảnh mục đồng chăn trâu, cô gái lái đò, người đội nón, mặc áo tứ thân, kết tóc đuôi sam, những mái nhà tranh ven sông, hoa sen dây, hoa cúc quấn, cỏ cây chim cá… Giữa các sản phẩm thường có chữ Phúc, Chính, Sĩ, Hoa, Trung, Kim, Ngọc, Tàm, Quỳ, Trù…, có thể là tên hiệu của các chủ lò. Phương pháp chế tạo cũng đạt trình độ cao, đó là chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều công đoạn rồi lắp ghép lại và gia công. Xương gốm phần lớn có màu xám nhạt, cứng rắn, có loại trắng đục, trắng trong. Phương pháp trang trí rất đa dạng, phóng khoáng, trữ tình, hài hòa, tinh xảo như vẽ, khắc, họa, đắp… sản phẩm được phủ và vẽ chất liệu men trắng hoa lam, men ngọc, men màu tam thái hoặc rạn đục…

Đến nay, những sản phẩm gốm Chu Đậu đã được tìm thấy ở rất nhiều nơi trên thế giới. Từ Ai Cập đến Trung Cận Đông và toàn bộ các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Nhật Bản là nước có sản phẩm gốm Chu Đậu nhiều nhất. Đến nay đã có 46 bảo tàng của các nước trên thế giới có trưng bày các hiện vật gốm Chu Đậu.
Giá trị của gốm Chu Đậu, sau khi được tìm thấy ở Cù Lao Chàm, đã làm sửng sốt trong giới học giả và mọi người. Tờ Việt Mercury số ra tháng 6/2000 đã đăng lời bà Dessa Goddard – Giám đốc ngành nghệ thuật Á Châu của nhà bán đấu giá Butterfields tại San Francisco: “Phát hiện này đang trả lại cho Việt Nam một chương của di sản nghệ thuật mà người ta từng nghĩ là đã hoàn toàn biến mất”.
 

0 nhận xét:

Post a Comment