Friday, June 29, 2012

Khám phá thác Táng Tinh và Bãi đá cổ Nấm Dẩn – Hà Giang

Nằm giữa rừng nguyên sinh Đèo Gió (thuộc địa phận xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) trên độ cao gần 1.500 mét, thác Táng Tinh đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách du lịch bởi vẻ đẹp hùng vĩ giữa núi rừng đại ngàn.
Từ trung tâm huyện lỵ Xín Mần - thị trấn Cốc Pài, vượt 17 cây số qua những con đèo lắt léo, quanh co, du khách sẽ đến thác Táng Tinh

Qua xã Nà Chì, vượt Đèo Gió đã bắt gặp một vùng rừng nguyên sinh trải dài từ xã Quảng Nguyên đi qua xã Chế Là, về xã Nấm Dẩn tiếp giáp tận huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Rừng nguyên sinh Đèo Gió có diện tích vùng lõi trên 800 ha với nhiều tầng sinh học đa dạng. Rừng có hàng ngàn thực vật rừng quý hiếm được bảo tồn như: Gỗ sến, có cây ngàn năm tuổi, dổi, đinh, táu mật, cùng hàng trăm loài phong lan rừng, thảo mộc, thảo quả, nấm các loại. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã khám phá động thực vật Đèo Gió và xác nhận: Đèo Gió là biểu tượng của rừng nhiệt đới gió mùa còn lại khá nguyên vẹn, chứa nhiều gien quý cần bảo tồn phục vụ lợi ích con người cho cả trước mắt và mai sau. Nằm trong rừng Đèo Gió là thác Táng Tinh đổ từ độ cao 70 mét xuống tạo thành một tiên cảnh giữa rừng già kỳ vĩ. Năm 2009, quần thể rừng Đèo Gió và thác Táng Tinh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di sản Thiên nhiên cấp quốc gia.

Thác Táng Tinh còn được gọi là thác Tiên hay thác Gió vì dưới chân thác lúc nào cũng có gió thổi rất mạnh, đưa làn hơi nước mỏng nhẹ bay lơ lửng khắp không gian. Nhìn từ xa, thác Táng Tinh có đôi dòng chảy nên có người gọi là thác Đôi để ghi nhận sự trường tồn bên nhau của nàng con gái bản Mường và con trai Thần Núi sau khi chết theo tuơng truyền. Người bản địa nói rằng, thác Táng Tinh có từ rất xa xưa, khi con người có thể nói chuyện được với muôn thú và sống chan hòa với nhau giữa núi rừng mênh mông này. Khi đó, người già, người trẻ trong làng đều biết câu chuyện về nàng con gái xinh đẹp của làng và con trai Thần Núi. Nàng vì phát hiện được bí mật của Thần Nước nên phải chịu tội nếu không thì nước sẽ cuốn trôi cả buôn làng, muôn thú. Chỉ có một cách là nàng phải làm vợ con trai Thần Núi thì mới “xóa” được tội. Nhưng nàng là người còn chàng là rắn. Người không thể lấy rắn. Và nàng đành để lại mẹ già nhờ dân làng chăm sóc rồi lên rừng trầm mình xuống hồ chịu tội với thần linh. Nàng chìm dần, chìm dần trong làn nước trong xanh. Mái tóc nàng bồng bềnh trong nước rồi vươn lên bờ đá, rớt xuống bên dưới tạo thành dòng thác ngày đêm tuôn trào, đưa nước về bản làng cho người dân sinh hoạt, tưới tiêu. Chim muông hay chuyện vội vàng bay đi báo cho chàng hay. Khi chàng đến nơi thì nàng đã chìm sâu trong nước. Chàng đau khổ quay về rồi ngất lịm trên đường...

Người đời sau vẫn ghi nhớ sự hy sinh của người con gái đem lại sự sống cho dân làng nên đặt tên thác là Táng Tinh. Không biết từ bao lâu, con thác vẫn ngày đêm tuôn chảy giữa rừng già tạo nên một kỳ quan thiên nhiên xinh đẹp. Ngày lễ, các chàng trai, cô gái đến đây vui chơi, tắm mát và cầu nguyện được hạnh phúc trọn đời bên nhau. Từ độ cao khoảng 70 mét, thác nước đổ xuống trông xa như mái tóc của con gái. Nơi đây cao gần 1.500 mét so với mực nước biển, gió luồn qua rừng, qua rẫy thổi thốc lên tung nước tạo thành những hạt li ti bay vương vãi như làn khói. Ngay tại chân thác, nước ồn ào cuồn cuộn nhưng mặt hồ thì chỉ có những gợn sóng nhỏ lăn tăn.

Tương đương độ cao với thác Đam Bri ở tỉnh Lâm Đồng nhưng thác Táng Tinh không dữ dội mà luôn yên ả, lượt là như nết na người con gái Mường trong truyền thuyết. Nước suối dưới chân thác lặng, yên bình và trong vắt quanh năm, nhìn thấu tận đáy. Suối nông nên du khách cứ thế ùa xuống chơi đùa, chụp ảnh thoải mái nhưng nước rất lạnh nên chỉ đứng một lúc là phải lên ngay. Một cây cầu cong cong được xây vắt qua suối, từ đây có thể men theo lối đi xi-măng có tay vịn để tham quan một vòng suối và chiêm ngưỡng vẻ hoang sơ nơi rừng già rậm rạp. Vào dịp cuối tuần hay nghỉ lễ, người dân quanh vùng thường rủ người thân, bạn bè đến đây dã ngoạn, vui chơi giữa thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ và không khí trong lành để đầu óc thư thái, quên đi những mệt mỏi, ưu phiền.

Từ thác Táng Tinh xuôi dốc chừng 6 cây số là đến Bãi đá cổ nơi người Việt cổ sinh sống có niên đại trên 2.000 năm tuổi ở thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn. Bãi đá cổ chia thành 7- 9 vùng quần thể bãi đá được tìm thấy trong vùng có dấu tích người Việt cổ sinh sống. Vùng Bãi đá lớn nhất, trên phiến đá lớn nhất, có các họa tiết để lại nhiều hoa văn, hình họa mang tính phồn thực ghi dấu ấn một thời xã hội Cổ đại mẫu hệ. Trải qua hàng ngàn năm, đến nay Bãi đá cổ còn rất nhiều điều bí ẩn chưa được giải mã. Các nhà khảo cổ học cho rằng, người Việt cổ trải qua thời kỳ mẫu hệ sinh sống tại đây, phát triển ra sao còn là bí mật. Đến đây, du khách tận mắt chứng kiến và chạm tay lên dấu ấn của ngàn năm... Cùng với quần thể di sản đá cổ Nấm Dẩn, thác Táng Tinh đang trở thành điểm đến của du khách ưa khám phá và tìm hiểu về lịch sử vùng đất cực Bắc Tổ quốc./.

website báo Cần Thơ

0 nhận xét:

Post a Comment