Thursday, June 14, 2012

Khoảnh khắc thú vị 'đắm mình' trong hồ sứa nổi tiếng thế giới

 Đến quốc đảo Palau, bạn sẽ có dịp trải nghiệm cảm giác bơi lội, đắm mình trong làn nước trong xanh, thỏa sức vui đùa và ngắm nhìn hàng triệu con sứa vàng mềm mại di chuyển theo hướng mặt trời mọc.
Tọa lạc trên một hòn đảo đá không người ở trong đầm phá phía nam của quốc đảo Palau, đây là hồ sứa nước mặn nổi tiếng thế giới với môn bơi lội cùng sứa vô cùng hấp dẫn.



Hồ sứa này đã trải qua một quá trình hình thành địa chất phức tạp. Hơn 12.000 năm trước đây, mực nước biển tăng lên đến đỉnh điểm và bắt đầu hình thành hồ thông qua các lưu vực sông và đường hầm trong núi đá vôi cổ thuộc quần đảo Palau, tạo nên một môi trường sống đa dạng cho các sinh vật trong hồ. Nhưng một thời gian sau đó, hồ sứa không còn liên kết với đại dương do chấn động của vỏ trái đất. Bị cô lập, hồ chỉ còn loài sứa vàng và sứa mặt trăng sinh sôi và phát triển. Chúng ngự trị khu vực này mà không gặp đối thủ nào cạnh tranh nguồn thức ăn sẵn có. Theo thời gian, cư dân hồ được bổ sung thêm nhiều loài sinh vật phù du, động vật đơn bào khác như cỏ chân ngỗng (hải quỳ). Ngày nay, sứa chỉ sợ loài cỏ chân ngỗng ăn thịt, sống ở tầng cuối cùng của hồ.


Có một khoảng thời gian dài trước đây, số lượng sứa trong hồ bị suy giảm trầm trọng, nguyên nhân là do biến đổi khí hậu. Thời tiết bắt đầu nóng lên kéo theo nhiệt độ của nước trong hồ tăng lên đã giết chết hàng loạt động vật sống trong hồ. Nhưng may mắn thay, sứa có một giai đoạn sinh sản vô tính, mà nhờ đó đã quay lại sinh sôi nảy nở với một mật độ dân số dày hơn trước. 


Ngày nay, số lượng sứa trong hồ đã tính đến con số hàng triệu chứ không còn là hàng trăm nữa. Cứ vào mỗi buổi sáng, khi bình minh ló dạng thì hàng triệu con sứa di chuyển về phía mặt trời mọc, từ đông sang tây. Đến khi chiều muộn, chúng lại quay xuống tầng đáy của hồ nghỉ ngơi và cuộc hành trình di chuyển lặp lại trong suốt vòng đời của sứa.


Trong khi sứa vàng nghỉ ngơi ở tầng dưới của hồ và sử dụng nguồn thức ăn là tảo cộng sinh, thì loài sứa mặt trăng lại có mô hình di chuyển không tổ chức. Vào ban đêm, chúng có xu hướng di chuyển lên tầng trên của mặt hồ để kiếm ăn. Sinh vật phù du là nguồn thức ăn quan trọng và chủ yếu của sứa mặt trăng. Theo bản năng tránh bóng tối, chúng tránh tiếp cận khu vực bờ hồ, vì khi mặt trời lặn, bờ hồ là nơi luôn có kẻ thù săn mồi chờ chực sẵn (như cỏ chân ngỗng).


Ánh sáng mặt trời phong phú trên hòn đảo Nam Thái Bình Dương là điều kiện thiết yếu cho những con sứa phơi mình trong làn nước và nắng ấm. Quá trình tắm nắng và di chuyển kéo dài cho đến khi mặt trời lặn. Sứa bơi xoay ngược chiều kim đồng hồ khi ở trên mặt nước, nhằm mục đích là để cho loài tảo cộng sinh trên mô mềm của chúng thực hiện quá trình quang hợp, vì chính tảo cộng sinh là nguồn cung cấp thức ăn cho sứa.



Các loài sứa trong hồ là vô hại, mặc dù cả hai đều có có các tế bào châm chích. Đó là nhờ sống trong môi trường không có nhiều mối đe dọa ngoại trừ cỏ chân ngỗng, vì vậy chúng không cần dùng đến vũ khí tự vệ là những tế bào châm chích nữa. Thế nên khả năng này dần dần mất đi, nếu có thì những tế bào của chúng cũng không đủ mạnh để gây đau hay thương tích cho du khách khi bơi trong hồ. Chỉ đối với những người bị dị ứng với loài sứa thì cần phải mặc quần áo bảo hộ khi bơi.


Ở quốc đảo Palau, bạn không được lặn với bình dưỡng khí, chỉ được phép bơi lội nhẹ nhàng vì sứa là những sinh vật rất mong manh, và các bong bóng từ bình dưỡng khí có thể gây ra chấn thương nghiêm trọng cho chúng. Lí do thứ hai là nếu lặn xuống tầng dưới của hồ khoảng 15 đến 20m thì người lặn sẽ gặp nguy hiểm do thiếu oxy và bị nhiễm độc do khí hyđro sunfua mà sứa thải ra, sẽ hấp thụ rất nhanh qua da gây tử vong.

0 nhận xét:

Post a Comment