Wednesday, July 25, 2012

Đi tìm sự sống cho "ngôi làng chết" ở Campuchia

Cách thủ đô Phnôm Pênh khoảng 25km nhưng ngôi làng Tuol Sambo không được đánh dấu trên bản đồ. Để tới đây, chỉ có duy nhất một con đường gồ ghề đầy sỏi đá, ổ voi, ổ gà… Nó dường như là một vùng đất bị giấu kín.

 
Tuol Sambo được xây dựng từ năm 2009, ban đầu gồm 40 gia đình cực nghèo khổ, hiện nay, ngôi làng có khoảng 173 gia đình. Họ đều là những người có HIV, chuyển từ thành phố về khu dân cư tạm bợ này sinh sống. 

 
Điều kiện sinh hoạt ở Tuol Sambo khá thiếu thốn. Khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ cao là điều kiện thích hợp cho bệnh tật phát triển.

 
Cái nóng là hung thần với những bệnh nhân HIV/AIDS: tháng 3/2012, 26 người, chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi đã mắc bệnh tiêu chảy và nôn mửa trước khi lả đi vì đói. Nguyên nhân chính là do thực phẩm nhiễm độc vì bị ôi thiu trong cái nóng gay gắt, dưới mái tôn hấp nóng của những căn nhà tạm bợ.

 
Như một lẽ tất yếu, y tế, giáo dục, giải trí… hiển nhiên không thể tồn tại nơi này. Trước đây, rất ít người "ngoài cuộc" tiếp cận khu vực này, người trong làng gần như biệt lập với thế giới xung quanh.

 
Không khí ngột ngạt, khó chịu đeo bám và làm cuộc sống của người dân nơi đây ngày một bần cùng.

 
Người dân ở đây sinh sống nhờ những cánh đồng bỏ hoang và các con bò nuôi. Tại nơi như thế này, những vật dụng như ti vi, xe máy được coi là vật báu.

 
Những đứa trẻ ở đây đều không được đến trường. Chúng hầu như không biết đọc và viết. Có một sự thật chua chát rằng: không ai muốn cho con mình chơi với những đứa trẻ có H.

 
Mặc dù vậy, lũ trẻ trong làng rất hồn nhiên. Chúng sống rất vô tư, chơi đùa với nhau hàng ngày và cùng giúp đỡ gia đình. Chính chúng đã cứu vãn sự sống ở “ngôi làng chết” này.

 
Nhiều người dân vẫn rất lạc quan, họ tìm cách để kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống. Họ may mặc, đan lát, làm túi và đồ lưu niệm thủ công, sau đó nhờ người đem vào thành phố bán cho khách du lịch. Đồng thời, họ cũng trồng lúa mì và nuôi cá.

 
Hiện tại, Tuol Sambo đang nhận được sự quan tâm từ cộng đồng tiến bộ và các tổ chức nhân đạo phi chính phủ. Tất cả đều mong muốn giúp đỡ người dân nơi đây cải thiện điều kiện sống.

0 nhận xét:

Post a Comment