Trở lại với phố núi, ta lại được hòa mình vào những con đường, dòng sông và tình cảm trìu mến của người dân nơi đây.
Tôi lại về với Pleiku
Với mùa khô mịt mù bụi đỏ
Những nẻo đường bốn mùa lộng gió
Núi đồi trập trùng như câu hát trầm bổng ngân nga ...
Mấy
tháng qua, tôi vẫn treo câu thơ này trên trang cá nhân như một lời hẹn,
chẳng hiểu sao cái buổi chiều lần đầu tiên đến với phố núi này, tôi lại
rủ rỉ với xế của mình: "Em thích nơi này quá". Có phải vì thích cái cảm
giác đi trên những con đường cong như võng, vừa xuống khỏi dốc lại bắt
đầu hối hả ngược gió để leo lên một con dốc khác. Hay là phải lòng cái
gió quần quần như đẩy lùi xe về phía ngược dòng. Chỉ có những mùa khô
thôi, gió mới nhiều như thế. Chả vậy mà người ta tháo hết yếm để đi cho
nhanh, hồi đầu tôi cứ tưởng họ hay đi rẫy, đi rừng, nên tháo yếm cho
khỏi ngã. Hóa ra chỉ vì gió, chờ mùa mưa về, yếm xe mới được lắp đủ đầy.
Vượt đèo Buôn Hồ
trong làn sương mờ mịt, khẽ thót tim khi thấy một người bạn độc hành
đeo khăn rằn đang vượt lên trước mũi xe, rồi lại thảnh thơi đi giữa
những rừng cao su trơ lá ngay sát 2 bên đường, tôi về với Pleiku.
Vẫn
còn đó cảm giác bàn tay run lạnh vì đi vội vã không mang cho mình một
đôi găng tay, cảm giác mắt kính sương mờ ướt nhẹp, cảm giác ngất ngây
khi đứng lại nghỉ chân, uống một ly cà phê sóng sánh.
Nếu
Krông Nô làm tôi nhớ đến những ngôi nhà dài của người M' nông nằm lẫn
trong những vườn cà phê hoa trắng, thì Buôn Hồ lại làm tôi nhớ tới những
đứa bé chạy tung tăng trong vườn hồ tiêu xanh cao. Tất cả những con
đường tôi đã qua, đều có gì đó rất riêng. Không có những phiên chợ đầy
sắc màu của xứ Bắc, Tây Nguyên chỉ khép mình trong nhịp thở của cuộc
sống giản đơn, sáng lên rừng lên rẫy, chiều tất tả trở về trong ánh
hoàng hôn, để lại quây quần ngồi bên nhau trước thềm của ngôi nhà sàn,
kể cho nhau nghe chuyện đẻ đất đẻ nước.
Với những nơi đã đến trong
hành trình một năm trước, tôi không quay trở lại. Chỉ thoáng bồi hồi
khi nhìn thấy cái biển Quốc lộ 14C - 60km mà lần trước mình đã từng
chọn. Vẫn những rừng cao su nghiêm trang dưới trời xanh, hay chăng chỉ
còn vài ba chiếc lá còn sót lại trên thân cây bàng bạc. Tôi đã đi qua 2
mùa khô của Tây Nguyên...
Tìm mãi rồi cũng đến được làng văn hóa Plei-ốp,
hỏi người dân trong thành phố, có người đồng ý dẫn đường. Làng nghèo
quá, nên dân bỏ đi tứ xứ hết, chỉ còn lại vài ba người già và trẻ nhỏ
đang dắt díu nhau trong trưa nắng. Nếp nhà Rông đầu làng sàn để lâu đã
mục, cánh cửa nhà khép chặt bằng chiếc khóa Việt tiệp. Trên cây nêu dựng
trước, vải xanh đỏ đã bạc màu.
Lũ trẻ con thấy người lạ trốn biệt
sau những gốc cây to, chúng nhất định không lấy bánh kẹo tôi cho, cứ
vừa chạy vừa nói bằng tiếng bản địa. Những ngôi nhà sàn Giarai nghèo
nàn, chân xếp toàn củi khô xen lẫn giữa những ngôi nhà vôi vữa mới cất.
Có lẽ những ngôi nhà mới là của những người đi làm ăn xa.
Tôi
cứ đi hết các con đường đất để vào làng, rồi lặng đi khi bắt gặp những
tượng gỗ đầy sắc thái xung quanh khu nhà mồ. Tôi vẫn nhớ thầy giáo tôi
đã nói rằng: nhà mồ Giarai là đẹp nhất. Tôi cũng không biết nói thế nào
là đẹp, chỉ là cảm giác run rẩy khi đi trên lớp lá khô xào xạc của từng
ngôi mộ. Tôi đứng giữa hoang tàn, nghe hàng chục tượng gỗ âm dương kể
chuyện, chuyện cuộc đời và cái chết...
Sau những khoảnh khắc chậm
chạp, tôi lại trở về guồng của chuyến đi, vội vã gửi trả xe về Ban Mê,
vội vã đuổi theo chiếc xe bus nèn chặt người để lên Kontum, vì tôi sợ
nếu mình chậm lại, dù một chút thôi, tôi sẽ bỏ lỡ một hoàng hôn bên sông Đak Bla,cũng như bỏ lỡ một buổi chiều được đi bộ trên chiếc cầu treo Konklor nối liền hai bờ sông.
Tôi
đã nghe kể rằng, vùng đất ven sông Đăk Bla xưa là rừng thiêng nước độc,
theo tiếng Bana, Đăk có nghĩa là nước, Bla có nghĩa là cọp. Vài chục
năm trước, khi người ta chưa bắc cầu Konklor để nối làng với phố, vùng
núi này chỉ toàn cọp dữ, nhưng lại sống thuận hòa với người Bana. Người Bana chia nguồn nước với cọp, chia núi rừng với cọp, và cùng chung vui trong lễ hội nước đầu năm.
Dĩ
nhiên tất cả chỉ là chuyện cũ, giờ thì con đường và cây cầu, nối bản
làng cổ KonKtul với cả thành phố Kontum và quốc lộ 14 rồi, cái chữ cũng
đã về làng. Bóng chiều đổ xuống, người lái xe ôm già chở tôi đi ven
sông, về với bản làng cổ nhất Kontum. Dòng sông đẹp, giữ lại trong mình
bóng đổ của những nếp nhà Rông ven đó.
Cứ hết bản này qua bản
khác, tôi chỉ biết định hình nhờ những mái nhà cao vút trong nắng chiều
rơi. Hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp ở làng KonKtul là cậu bé Bana đạp xe
hối hả trước ngôi nhà Rông bằng tre cũ.
Tôi đã bước lên chiếc
thang gỗ, rồi chụp ảnh cho bọn trẻ Bana. Những gì tôi giao tiếp, chỉ có
những bức ảnh mà thôi. Một chú bé mặt buồn so ngồi chờ mẹ về trên bậu
cửa nhà sàn, một ông lão ngậm tẩu thuốc, mắt nhìn về phía dòng sông, một
đám trẻ con nuối đuôi nhau làm thành đoàn tàu đi trong ánh chiều chạng
vạng... tất cả đều rất đẹp.
Tôi
đã không uổng phí sự vội vã của mình cho ngày về với Kontum, để được
đắm mình trong sự thân thiện của người Bana. Một buổi chiều, vứt lại tất
cả những xô bồ cận tết, vứt lại hành trang trên bờ, tôi ùa mình xuống
dòng nước hiền hòa của con sông Đăk La, cùng tắm với những thiếu nữ Bana
đẹp như rừng núi. Những chiếc thuyền độc mộc trên đường trở về nhà,
thấp thoáng phía xa, chỗ tôi tắm, 3 chiếc thuyền cũng đã neo chặt chẽ.
Nếu đã từng được ngắm những cô gái Thái hòa mình trong giai điệu nước
của Tây Bắc, bạn cũng như tôi, thèm một lần được đắm mình trong dòng
nước Tây Nguyên.
Tôi mặc kệ quần áo đã ướt hết, mặc kệ chiếc máy
ảnh vứt lăn lóc trên bờ, cả người lái xe ôm già đang nhìn tôi nghi hoặc.
Tôi đã làm được điều mà mình thèm muốn bấy lâu. Sông vẫn chảy, và vẫn
kể cho tôi nghe chuyện về dòng nước, về cuộc đời của họ. Họ khép mình
với cuộc đời hiện đại, nhưng lại hòa mình trong dòng chảy thiên nhiên.
Một mùa lễ hội sắp đến, cồng chiêng sẽ không còn im ngủ trong góc nhà
Rông, cây nêu sẽ dựng lên, con trâu tốt sẽ được chọn, và ảnh lửa sẽ lại
bập bùng bên những ché rượu cần ấm nóng, già làng sẽ lại kể những câu
chuyện muôn đời không cũ... như lúc này, tất cả vẫn đang rộn rã trong
tôi!
Theo khapnamchau.com
Sunday, July 8, 2012
Tây Nguyên, những con đường lấm bụi
8:04 PM
No comments
0 nhận xét:
Post a Comment