Búp
khoai kho là món ăn truyền thống ở huyện Thanh Thủy – Phú Thọ, một món
ăn dân dã và cũng rất thú vị, hấp dẫn với nhiều người.
Búp khoai ở đây không phải là búp khoai lang, mà là búp của các giống khoai
có dọc (có nơi còn gọi là bẹ hoặc đài khoai) như khoai trứng, khoai
riềng, khoai lủi, khoai đốm… thứ khoai mà thường ở làng quê nào cũng có,
vừa dễ trồng, dễ chăm sóc lại có nhiều tác dụng và giá trị kinh tế. Củ
khoai dùng luộc hoặc sào nấu làm canh ăn không biết chán. Dọc khoai dùng
chăn nuôi lợn rất hay ăn chóng lớn. Còn búp khoai (trừ khoai đốm là
loại khoai rất ngứa ít người dùng) đem kho tương cho ta thứ canh ăn rất
ngon, mang đậm đà hương vị làng quê.
Món
búp khoai kho không có quanh năm chỉ có theo mùa và trong thời gian rất
ngắn. Khoai thường trồng từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 5 năm
sau thì thu hoạch. Thời gian từ khi khoai mọc đến trung tuần tháng 4
khoai phát triển và đẻ con nên không hái búp. Mãi đến đầu tháng 5 trước
khi thu hoạch 1-2 tuần người ta mới hái búp khoai vừa làm thức ăn vừa
cho khoai chùn lại để tập trung dinh dưỡng nuôi cho củ to mập.
Để
có món búp khoai kho vừa ngọt lại không ngứa, từ khâu chuẩn bị đến các
thao tác nấu phải rất cầu kỳ, cẩn thận, chu đáo. Kinh nghiệm khi hái búp
khoai là chọn những búp lá còn quấn tròn chặt rồi đem về rải ra nong
phơi dưới nắng nhạt cho hơi tái (thường hái vào buổi sáng sớm, phơi vào
buổi trưa để chiều nấu). Trước khi nấu đem rửa sạch rồi xếp quấn tròn
vào nồi đất theo từng lớp một, trên cung rải một lượt cua đồng đã bóc bỏ
yếm và mu. Lấy 2 thanh tre cật ghim chéo chữ thập ở trên miệng nồi để
khi đun sủi búp khoai không bị bồng lên. Lấy một muôi tương ngon hòa
loãng với nước cho vào săm sắp búp khoai rồi bắc lên đun. Khi sủi chú ý
để nhỏ lửa, chỉ cho sủi lăm tăm. Tuyệt đối không nhúng đũa vào. Theo dõi
khi nước trong nồi cạn dần dùng tương hòa loãng với nước có thêm chút
mỡ lợn (gọi là nước hàng) thỉnh thoảng lại dùng muôi múc tưới dần vào.
Cứ thế đun gần cạn lại tưới nước hàng vào, làm như thế từ 4 đến 5 lần là
chín. Lúc này có thể lấy đũa nhúng vào kiểm tra độ mặn nhạt để điều
chỉnh cho vừa. Rồi tùy theo nồi canh to hay nhỏ, lượng nhiều hay ít mà
ta có thể cho 1 hay 2 quả dọc đã được nướng chín, rửa bỏ sạch vỏ, hột
rồi dằm nhỏ dải lên trên và cho thêm một chút nước hàng vào đun cho cạn
là được.
Nhấc
nồi canh xuống mở vung cho nguội dần. Khi dùng nhấc ghim ra lấy đũa gắp
khéo từng chiếc búp khoai lên bát, trông từng chiếc búp khoai bên ngoài
vẫn săn nguyên nhưng bên trong đã chín mềm mục tỏa ra mùi thơm ngậy của
dọc, của cua, ngọt ngào của tương và hương vị đặc trưng của khoai đồng,
ăn vào thật khó quên./.
0 nhận xét:
Post a Comment