Giống như rươi, sá sùng sẽ làm những người yếu bóng vía phát khiếp với hình dáng… ghê sợ của mình. Nhưng những món ăn từ sá sùng thì không ai có thể từ chối được.
Sá sùng nhiều ở vùng biển Vân Đồn và Móng Cái –
Quảng Ninh. Ở đây, sá sùng ngon nhất cả nước. Ngoài ra, sá sùng cũng
nhiều ở vùng biển Cam Ranh, Cần Giờ… Sá sùng ở Hải Phòng còn gọi là bông
thùa, trong nam gọi là sâm đất.
Sá Sùng ở vùng Quan Lạn - Quảng Ninh.
Sá sùng màu nâu đỏ, nhìn qua có hình dạng giống như
con trùn đất, trên mình có những sợi vân nhỏ li ti, nhưng kích thước
lớn hơn và ruột chứa toàn cát. Sá sùng sống trong hang sâu dưới cát.
Người ta bắt Sá sùng thường vào lúc sáng sớm, khi
nước triều vừa rút đi để lại những dấu vết của chúng sau một đêm ngoi ra
khỏi cát đi kiếm ăn, giao phối. Cũng như đào trùn đất, nếu thấy dấu vết
sá sùng, chỉ cần xúc vào sâu lớp cát sẽ thấy chúng bên dưới. Thức ăn
của sá sùng là những mảnh vụn hữu cơ, sinh vật phù du lơ lửng trong
nước. Một con sá sùng dài từ 7cm đến 15cm.
Tại nơi chế biến sá sùng khô.
Trước đây, người ta nói ăn món ăn chế biến từ con
sá sùng tương đương với ăn vàng. Vì một kg sá sùng khô sẽ đổi được 1 chỉ
vàng. Đắt như vậy nên hiếm người được thưởng thức món này. Chính vì
thế, người ta chỉ dám dùng sá sùng trong chế biến các loại nước lèo làm
phở, bún...
Một lượng nhỏ sá sùng khô rang lên cho vào túi lọc
bỏ trong nồi nước dùng sẽ làm cho nồi nước có hương vị đậm đà, trong
hơn. Người ta thường bảo: sá sùng là hồn của nồi nước phở thời chưa có
gia vị.
Sá sùng có thể nướng, ăn chấm muối ớt vắt chanh,
cũng có thể ướp muối ớt rồi nướng. Các nhà hàng thường dùng món này để
mời khách lai rai cùng bia, giống như mực khô nướng xé nhỏ! Sá sùng vừa
giòn, mềm, lại dai dai, có vị béo và ngọt nên càng ăn càng thấy ngon.
Sá sùng xào với rau cần hoặc xu hào là món phổ biến ở Hải Phòng, Quảng Ninh.
Sá sùng tươi có thể chế biến các món như xào chua
ngọt, chiên, nướng, nấu cháo... Để chế biến sá sùng tươi, sau khi rửa
thật sạch, cho nguyên liệu vào chảo rang trên bếp cho khô rồi trút ra
rổ, xoa cho hết những hạt cát còn bám vào. Tiếp đó, có thể nướng làm
nhiều món ngon. Bản thân sá sùng có vị ngọt tự nhiên nên càng nhai lâu
càng ngấm vị ngọt.
0 nhận xét:
Post a Comment